Học nhuộm ở Măng Đen

by

in

Hồi nhỏ, mẹ và bọn mình rất gần gũi với nhau. Bọn mình hay cùng mẹ làm mấy miếng lục giác để làm chăn. Mẹ mình đam mê môn này tới nỗi hầu như ai trong nhà cũng có một chiếc chăn riêng, đến cả con chó khi đó của nhà mình là Lucky cũng có một chiếc. Mẹ còn dắt bọn mình đi lấy bông gòn từ cây bông đối diện nhà ông nội rồi nhét bông vào gối. Mấy lúc đó, mẹ vừa làm việc vừa kể chuyện hay đọc thơ, mẹ hát dở nên mấy bài hát đều đọc thành thơ hết. Mẹ mình kể chuyện rất hay, mẹ kể các ký ức của mẹ, lần đầu về thăm quê ở Bắc Ninh, lần đầu đi ngang vịnh Hạ Long. Mình đã được nuôi lớn như vậy, nhưng dần dà, theo độ tuổi, sự gần gũi của mình và mẹ tuy vẫn còn nhưng nó lại có một bức tường ngăn cách.

Bữa trong Tết, mình có nói là sẽ đi học nhuộm, nhưng cũng chỉ nói qua qua thôi. Lâu rồi, mình sợ phải chia sẻ những thứ nằm ngoài mục đích “thương mại” vì mình rất sợ mẹ sẽ hỏi những câu như “Học để làm gì? Rồi học xong có làm không?” Đối với mẹ thì việc học cần phải luôn luôn phục vụ một mục đích nào đó. Nếu mà nói “vì con thích học” thì mẹ sẽ không nói gì, nhưng mình luôn cảm thấy có một sự không hài lòng ngầm phảng phất trong không khí. Thế là mình khăn gói đi học.

Màu hoàng đằng
Nhuộm với hoàng đằng
Màu tô mộc
Nhuộm với tô mộc

Thầy của mình là Thạc Sĩ Lê Võ Sơn Quân và anh sống ở Măng Đen. Trước khi mình đến, anh đã tìm homestay cho mình ở, dặn dò mình cách đi xe. Măng Đen đón mình bằng giông gió mà đêm nằm ngủ tưởng sóng đập vào bờ. Khoá học ngắn ngủi này gồm năm ngày. Nguyên ngày đầu là học về sợi vải và học cách xử lý vải trước khi nhuộm, các ngày sau lần lượt nhuộm với các nguyên liệu tự nhiên như hoàng đằng, hoa cúc, tô mộc, lá trà, củ nâu, mặc nưa, chàm tươi, chàm bột và làm ecoprint. Nghe thì ít nhưng quá trình làm là nhiêu khê. Tính mình lại hay hỏi thì hỏi gì anh Quân cũng trả lời được hết, và lại còn rất nhiệt tình nữa. Bữa đó, vui miệng mình lại hỏi “Sao anh Quân có ý định đi học tiến sĩ vậy?” Anh Quân trả lời là “Để khi các bạn có thắc mắc gì, mình có thể giải đáp được.” Mình gật gù “À, ra anh đi học để trừ mấy con yêu quái như em đó hả?” Anh Quân nhìn mình cười mỉm chi.

Nhuộm chàm bột và chàm tươi. Hình dưới là nhuộm với mặc nưa
Nhuộm với lá trà và củ nâu

Quay lại với việc nhuộm, tưởng đâu đơn giản nhưng thực ra việc này rất lắt nhắt và tốn thời gian. Đầu tiên là phải có chiết xuất màu từ thực vật. Nếu không nhờ chiếc nồi áp suất thần thánh của anh Quân thì sau khi nấu xong phải để qua đêm. Sau đó thì dùng đũa để quay vải trong nồi nhuộm 30 phút từ khi sôi, xong lại để hấm 15 phút nữa. Do mình chỉ nhuộm những mẫu thử be bé nên có thể dùng đũa quay vải cho thấm đều. Nếu nhuộm vải lớn thì đôi tay sẽ hoạt động như một chiếc guồng quay tơ. Trong khoá học này chắc thú vị nhất là lúc anh dắt mình xuống con suối ở cuối vườn của anh để nhúng vải nhuộm lá trà vào suối đặng biến nó thành màu xám, anh bảo là do trong nước ở đây có ion sắt đó. Anh nói là có thể nhúng vô chất sắt cũng được, nhưng trong nước suối có nhiều chất khác, điều này sẽ khiến vải bền hơn. Nước suối hôm đó lạnh khiếp.

Mình nhúng vải bên suối

Xong thành quả, mình đặt những mẫu vải dưới ánh sáng. Chúng vừa lấp lánh lại vừa trông rất dịu nhẹ và mát mắt. Các màu khi phối với nhau đều không bị chỏi. Mình đã ngắm nhìn chúng thật lâu. Những mảng màu mang đến cảm giác như các câu chuyện và thơ mẹ mình đã kể trong thời thơ ấu: là dòng sông, là khóm hoa cúc vàng của một ngôi nhà bên hông cầu Calmete, là những dãy núi, là mặt nước biển… Đó là lần đầu tiên, mình cảm thấy sự thống nhất từ thơ ca, giai điệu, cảnh vật và màu sắc như vậy. Và đó là “quê hương”


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *